Bảo Thắng thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển nông nghiệp bền vững

Với tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp, huyện Bảo Thắng tập trung nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ phục vụ lĩnh vực này theo hướng bền vững, an toàn và hiệu quả.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển nông nghiệp bền vững gắn với các chuỗi giá trị; xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm chủ lực của huyện; cơ cấu lại sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm. Huyện Bảo Thắng tiếp tục phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung là thế mạnh của huyện; đẩy mạnh thực hiện theo chuỗi giá trị trong sản xuất; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông lâm nghiệp chủ lực của huyện đủ điều kiện, tiêu chuẩn Vietgap, GlobalGap, Organic; phấn đấu có từ 2 sản phẩm nông nghiệp của huyện xuất khẩu ra nước ngoài. Phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ổn định các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực của huyện; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp, công nghệ chế biến sau thu hoạch, nhân rộng mô hình liên kết bền vững giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác với người nông dân trong sản xuất, tiêu thụ nông sản phẩm. Triển khai hiệu quả Chương trình “mỗi xã một sản phẩm”, đến năm 2025 có từ 50 sản phẩm chủ lực của huyện đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó có từ 10 sản phẩm đạt từ 4 sao trở lên. Đẩy mạnh ứng dựng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là khoa học công nghệ cao, tiếp tục thực hiện chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng đem lại giá trị, hiệu quả cao.

Phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, có sự liên kết chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm; nhân rộng và phát triển các mô hình chăn nuôi hàng hóa tập trung theo quy mô trang trại theo chuỗi giá trị; xây dựng các cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường. Mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung, thâm canh, bán thâm canh các loại thủy sản có giá trị cao. Phát triển lâm nghiệp đa mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, bền vững; nâng cao hiệu quả chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng; tập trung thâm canh, phát triển rừng cây gỗ lớn; thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển chế biến lâm sản chất lượng cao.

 Tập trung thực hiện 5 nội dung trọng tâm của Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trọng tâm là phát triển các sản phẩm chủ lực của huyện (rau, quả, chè, quế, lợn, gà, cá); đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chứng nhận chất lượng sản phẩm nông sản nhằm nâng cao giá trị và tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện, cụ thể:

Xây dựng nhãn hiệu, chứng nhận chất lượng sản phẩm và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực: Chứng nhận VietGap cho sản phẩm quả (bưởi, na, nhãn, xoài, mít); vùng sản xuất Chè búp tươi chất lượng cao tại Phú Nhuận, Phong Hải....; vùng sản xuất quế hữu cơ; các cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học theo tiêu chuẩn chứng nhận VietGAHP; xây dựng vùng nguyên liệu gỗ cấp chứng chỉ FSC-FM; chứng chỉ vùng sản xuất quế đạt tiêu chuẩn quốc tế tại các vùng quế trọng điểm của huyện. Xây dựng chứng nhận tập thể cho sản phẩm quả có múi, sản phẩm gia cầm; tiếp tục thực hiện xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đã có nhãn hiệu, thương hiệu.

Phấn đấu đến năm 2025 huyện Bảo Thắng có từ 50 sản phẩm OCOP được bình chọn đạt 3 sao trở lên, trong đó có từ 10 sản phấm đạt từ 4 sao trở lên. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm. Hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật để nâng cao sản lượng, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp nhất là các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện; xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng và bảo hộ các sản phẩm nông lâm sản đặc sản của địa phương góp phần tạo dựng uy tín, danh tiếng, năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Phát triển và nâng cao các chuỗi liên kết giá trị hiện có: chuỗi liên kết chăn nuôi lợn, gà, cá; chuỗi liên kết phát triển trồng và chế biến sản phẩm quế, chuỗi liên kết trồng và chế biến chè xanh chất lượng cao... để nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực trên địa bàn huyện. Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; tập trung các tiến bộ kỹ thuật về giống, công nghệ sản xuất nông sản sạch và công nghệ chế biến nông sản.

 Tiếp tục chuyển đổi hoạt động của các HTX DV nông nghiệp theo luật HTX năm 2012; phấn đấu mỗi năm phát triển thêm 1 - 2  HTX trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm làm cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương.

 Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng bền vững, khai thác triệt để thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đưa sản xuất công nghiệp trở thành nền kinh tế chủ đạo. Tập trung đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có sẵn.

 Thực hiện hiệu quả công tác thu hút đầu tư, thúc đẩy chuyển dịch tích cực cơ cấu công nghiệp theo hướng giảm mạnh tỷ trọng các ngành, sản phẩm công nghiệp khai khoáng, tăng mạnh tỷ trọng công nghiệp các ngành, sản phẩm chế biến sâu nông lâm sản, sản xuất hàng tiêu dùng, hỗ trợ và lắp ráp sản phẩm cơ khí, điện tử, thiết bị y tế, giáo dục, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

 Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, chế biến sâu các sản phẩm công nghiệp giá trị gia tăng lớn, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường; Tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ, thúc đẩy các nhà đầu tư đã được cấp chủ trương đầu tư triển khai dự án đảm bảo tiến độ đề ra; phát huy tối đa công suất sản xuất đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp của các tập đoàn lớn. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2025 đạt khoảng 1.500 tỷ đồng.

 Tổ chức thực hiện tốt, có hiệu quả chính sách hỗ trợ khuyến công, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chú trọng đào tạo nghề cho lao động, nhất là lao động nông thôn, đáp ứng đủ lao động có tay nghề cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn.

 

Hoàng Hữu Cửu
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn