Bắc Hà phấn đấu trở thành huyện khá của tỉnh
        Năm 2020 và 03 tháng đầu năm 2021, với quyết tâm chính trị cao, sự đoàn kết, chủ động Đảng bộ và Nhân dân huyện Bắc Hà đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện nằm trong nhóm cao nhất của tỉnh (đạt 10,68%); quy mô GRDP huyện ngày càng lớn, đạt mức gần 3.500 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành nông, lâm, nghiệp trong GRDP còn 33,06 %; công nghiệp - xây dựng 27,3 %; dịch vụ 39,64 %. GRDP bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng. Xây dựng, chỉnh trang đô thị được triển khai thực hiện đồng bộ; Huyện đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm. Quốc phòng được đảm bảo; an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác phối hợp giữa huyện với các Sở, ban, ngành của tỉnh được triển khai thực hiện thường xuyên, hiệu quả.

Trong thời gian tới huyện Bắc Hà cần nhận diện rõ, phát huy các tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, bản sắc văn hóa... để tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; xác định tầm nhìn dài hạn, chiến lược phát triển toàn diện, ra sức thi đua với các địa phương trong tỉnh; huy động sự vào cuộc, đồng thuận của toàn xã hội, đưa Bắc Hà vươn lên, sớm ra khỏi huyện nghèo, trở thành huyện khá của tỉnh.

Tăng cường đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trên tất cả các lĩnh vực. Thường xuyên rà soát, cập nhật kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu xây dựng các đề án, nghị quyết tạo ra bước phát triển đột phá trong những năm tới; khai thác lợi thế phát triển sản xuất nông nghiệp, cây dược liệu, cây hoa và các công trình văn hóa, di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch; duy trì và phát huy các sản phẩm thương hiệu như: Rượu Bắc Hà, chè Bản Liền, mận Tam hoa, Lê... Triển khai đồng bộ các giải pháp để huy động mọi nguồn lực đầu tư trên địa bàn. Chủ động xây dựng các kịch bản phát triể từng ngành, lĩnh vực theo hướng tăng cường liên kết, hỗ trợ trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện với các địa phương khác như: Si Ma Cai, Mường Khương, Bảo Thắng, Bảo Yên, Thành phố Lào Cai, Sa Pa, Xín Mần (Hà Giang) với quan điểm Bắc Hà phát triển phải gắn chặt với sự phát triển chung của các địa phương, của tỉnh.

Tập trung lãnh đạo phát triển nông, lâm nghiệp; phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn liền với hình thành các vùng chuyên canh những sản phẩm là thế mạnh của huyện. Nghiên cứu, đề xuất các Dự án Nông nghiệp; kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn… đầu tư vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến. Gắn sản xuất nông nghiệp với du lịch - dịch vụ nhằm tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm và tạo sức hấp dẫn cho du lịch. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân tập trung chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang phát triển trồng cây ăn quả ôn đới ở các vùng trung tâm và thượng huyện (mận, lê địa phương, lê xanh…), cây ăn quả nhiệt đới vùng hạ huyện (nhãn, xoài…) và mở rộng diện tích các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao (quế, chè, dược liệu…) lai ghép các cây bản địa với các giống có năng suất và chất lượng để tạo ra các giống phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương gắn với phát triển du lịch - dịch vụ. Chủ động phối hợp với các địa phương trong tỉnh, nghiên cứu, đề xuất xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu địa phương. Thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng; trồng, nâng cao tán che phủ rừng, đi đôi với nâng cao chất lượng rừng; động viên, khuyến khích người dân tham gia trồng, bảo vệ và phát triển rừng; rà soát, xác định, phân loại, quy chủ rừng (phòng hộ, tự nhiên, rừng trồng gắn với chế biến, tạo sinh thủy hạn chế sa mạc hóa).

Triển khai có hiệu quả chính sách khuyến công, hỗ trợ doanh nghiệp, Nhân dân đầu tư vào lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp để tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân (chế biến sản phẩm nông, lâm sản, chè, trạm khắc Bạc, dệt thổ cẩm...) đồng thời chú trọng bảo tồn và phát triển các nghề và làng nghề truyền thống, bảo tồn nét văn hóa, tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu của riêng Bắc Hà góp phần tuyên truyền, quảng bá du lịch. Hỗ trợ, tạo điều kiện để các thủy điện, các nhà máy, cơ sở khai thác và chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng đã hoạt động, đang xây dựng sớm hoàn thành và phát huy hiệu quả đầu tư.

Tập trung các quy hoạch mang tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của huyện. Đẩy mạnh triển khai hoàn thành các quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết phát triển đô thị, trung tâm xã, khu dân cư nông thôn, các khu, điểm du lịch… gắn với bản sắc văn hóa vùng cao. Nghiên cứu, đề xuất phương án mở rộng quy hoạch thị trấn, quy hoạch khu vui chơi giải trí, khách sạn, nhà hàng… đảm bảo đồng bộ với định hướng, quy hoạch số lượng du khách trên địa bàn ở từng thời điểm cùng như lâu dài. Chủ động đẩy mạnh, xúc tiến làm việc với các sở, ngành, địa phương để đầu tư đồng bộ các tuyến giao thông kết nối (TL.153, 154, 159, 160… đường kết nối đi Si Ma Cai, Mường Khương, Bảo Yên, Bảo Thắng, Xín Mần (Hà Giang)… tạo sự liên kết với các huyện trong và ngoài tỉnh; kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông gắn với công tác chỉnh trang, vệ sinh môi trường, bảo tồn các di tích, sản phẩm văn hóa và phát triển du lịch.

Tiếp tục nghiên cứu, quy hoạch du lịch Bắc Hà với chiến lược, tầm nhìn dài hạn, tầm nhìn 2030-2045, ưu tiên xây dựng, mở rộng và phát triển kết nối giao thông với các địa phương trong và ngoài tỉnh. Xác định Bắc Hà là trọng điểm du lịch của tỉnh; khai thác các lợi thế sẵn có tạo ra các sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng riêng có của Bắc Hà, các sản phẩm du lịch của Bắc Hà phải nằm trong chuỗi các sản phẩm du lịch của tỉnh và của quốc gia. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm du lịch của huyện. Chú trọng các sản phẩm du lịch tâm linh (Đền Bắc Hà, Chùa núi Ba Mẹ con,…); nghiên cứu hàng tháng tổ chức ít nhất 01 sự kiện du lịch trên địa bàn huyện. Xây dựng đồng bộ cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch, các mô hình homestay tự phát, vệ sinh môi trường ở các địa điểm du lịch… Tiếp tục làm việc, kết nối, kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các sản phẩm vui chơi giải trí gắn với bản sắc, văn hóa, con người Bắc Hà tạo đà thúc đẩy phát triển du lịch Bắc Hà. Chủ động làm việc, đề xuất với các sở, ngành của tỉnh để thống nhất các cơ chế, giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho huyện trong phát triển du lịch. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án du lịch.

Quan tâm phát triển văn hóa truyền thống gắn với phục vụ phát triển du lịch cộng đồng và tăng thu nhập cho người dân (các sản phẩm, lễ hội truyền thống: Đua ngựa, Lễ hội đền Bắc Hà, xuống đồng…). Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, danh thắng trên địa bàn huyện như: Chùa núi Ba Mẹ con, dinh dự Hoàng A Tưởng, Chợ Văn hóa Bắc Hà, Đền Bắc Hà, Đền Trung Đô… Thực hiện đổi mới về giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ. Phát triển văn hóa, thể thao, truyền thông, phát huy giá trị và sức mạnh văn hóa, con người, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Tiếp tục phát triển y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân và chất lượng dân số. Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, tập trung nguồn lực cho giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện tốt chính sách lao động, việc làm, chính sách với người có công và giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Chú trọng các vấn đề môi trường, an sinh xã hội và sự đồng thuận của nhân dân; quan tâm đời sống của đồng bào tôn giáo trong khu vực nông thôn. Triển khai đồng bộ các chương trình, giải pháp giảm nghèo, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững; ưu tiên tập trung nguồn lực cho xã có tỷ lệ hộ nghèo cao (Hoàng Thu Phố, Lùng Cải…). Quan tâm giải quyết việc làm cho người lao động, mở rộng liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động kỹ thuật; đào tạo nghề cho người lao động.

Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị của tỉnh chuẩn bị tốt danh mục cho các dự án sử dụng vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia, hỗ trợ có mục tiêu, các dự án ODA (Cô-Oét, JICA, WB…). Tiếp tục triển khai, thực hiện tốt công tác thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; rà soát các quỹ đất để khai thác tạo nguồn thu ngân sách từ đất. Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể để huy động, giải phóng nguồn lực trong Nhân dân./.

Trịnh Xuân Quyết
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

© Văn phòng Tỉnh ủy Lào Cai

Địa chỉ: Trụ sở khối 1 - phường Nam Cường - Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 0214.3840.044 Fax: 0214.3840.053

Email: contact-tinhuy@laocai.gov.vn